Kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học hàng năm

Kính gửi:  Các Phòng, Khoa, Bộ môn, Giáo viên.

Để thực hiện tốt công tác NCKH hàng năm, P.KHCN&HTQT thông báo đến các đơn vị Phòng, Khoa, Bộ môn, Giáo viên tham gia đề tài NCKH các cấp hàng năm  như sau:

- Báo cáo khoa học bắt buộc đối với giảng viên có trình độ Tiến Sỹ, Thạc sỹ. Động viên các giảng viên, CNV và sinh viên cùng tham gia báo cáo khoa học.

- Hàng năm nhà trường tổ chức thi các đề tài, sáng kiến cải tiến, mô hình học cụ tự chế phục vụ đào tạo, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả kinh tế, chuẩn bị lựa chọn các mô hình có chất lượng, mang đậm nét đặc trưng của ngành nghề đào tạo, phục vụ triển lãm sắp tới của các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp.

I/ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (NCKH):

1. Đề tài NCKH của cán bộ giảng dạy và CNV:

1.1. Đề tài cấp trường 

- Biểu mẫu đăng ký;

- Phiếu đăng ký đề tài , đề cương NCKH, thuyết minh đề tài;

- Thời gian thực hiện: ≤ 01 năm;

- Kinh phí hỗ trợ: Căn cứ theo mức độ ứng dụng hiệu quả của các đề tài. Hiệu trưởng sẽ xem xét từng đề tài để duyệt kinh phí hỗ trợ (nếu được duyệt).

1.2. Đề tài cấp Bộ Công Thương

Đăng ký cho từng năm, biểu mẫu đăng ký gồm có:

- Phiếu đề xuất đề tài NCKH cấp Bộ, đề cương NCKH, thuyết minh đề tài;

- Thời gian thực hiện: 01năm (đăng ký năm nay thực hiện cho năm sau);

- Kinh phí hỗ trợ: Đề tài được Bộ duyệt thì sẽ được Bộ cấp kinh phí;

- Không đồng thời làm chủ nhiệm 2 đề tài NCKH cấp Bộ trong cùng một thời  gian;

- Ưu tiên xét duyệt các đề tài có khả năng tạo ra thiết bị, công nghệ, phần mềm, các đề tài có hướng dẫn nghiên cứu cho học sinh, sinh viên.

1.3. Đề tài cấp nhà nước:

Đăng ký với Bộ Khoa học - Công nghệ.

1.4 Đề tài cấp thành phố:

Liên hệ Sở Khoa học Công nghệ TP. Đăng ký, biểu mẫu  như trên hoặc liên hệ P. KHCN&HTQT

2. Đề tài NCKH của sinh viên, học sinh:

Biểu mẫu đăng ký như trên

3. Quy trình và tiến độ thực hiện:

3.1. Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường:

- Đăng ký và thông qua tại Phòng, Khoa, Bộ môn: Trưởng Phòng, Khoa, Bộ môn chịu trách nhiệm duyệt bước 1 trong đơn vị phụ trách.

- Đăng ký với Phòng KHCN&HTQT: Chậm nhất đến ngày 15/3 hàng năm kèm theo các  biểu mẫu đã ghi đầy đủ.

3.2. Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ:

- Đăng ký và Phòng, Khoa, Bộ môn.

- Đăng ký với phòng KHCN&HTQT: Phòng KHCN&HTQT sẽ cung cấp các biểu mẫu  theo quy định của Bộ (hoặc trên trang web của phòng KHCN&HTQT).

- Các biểu mẫu phải được điền đầy đủ và được Hiệu trưởng ký.

- Thời gian đăng ký đề tài và gửi ra Bộ chậm nhất là trước ngày 31/3 hàng năm. Những đề tài đăng ký thực hiện cho năm sau.

- Những đề tài được Bộ duyệt sẽ có Quyết định vào khoảng tháng 11÷12 hàng năm.

II/ TỔ CHỨC HỘI THI MÔ HÌNH HỌC CỤ TỰ CHẾ PHỤC VỤ ĐÀO TẠO

1. Mục đích hội thi:

- Nhằm khai thác tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ giảng viên, CNV và học sinh, sinh viên tạo ra cơ sở  vật chất có chất lượng cao và hiệu quả, hướng đến những bài giảng có tính hiện đại để đào tạo ngày càng chất lượng hơn.

- Trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên, CNV, các Khoa về kinh nghiệm sáng chế và xây dựng học cụ mô hình.

- Tạo nên một phong trào tự làm thiết bị và tăng cường sử dụng thiết bị, học cụ tự chế trong điều kiện kinh tế của Trường.

- Lựa chọn các thiết bị, học cụ tự chế có chất lượng cao, phát huy được hiệu quả trong đào tạo để nhân rộng mô hình và tham gia triển lãm ở các cấp trên cơ sở.

2. Đối tượng dự thi:

- Được triển khai rộng rãi trong nhà trường bao gồm Giảng viên, CB-CNVC và trong học sinh, sinh viên (Học sinh, sinh viên ngành nghề nào thì đăng ký cho Khoa đang quản lý).

3. Yêu cầu của hội thi:

- Phát huy được động đảo GVCNV, các khoa, nhiều ngành nghề khác nhau (Kể cả học sinh - sinh viên, Cao đẳng nghề, Trung cấp, Cao  đẳng).

- Sau mỗi đợt thi, các đơn vị tự tổ chức rút kinh nghiệm vì hoạt động này đã trở thành phong trào thường xuyên hàng năm, trong trường.

- Các đề tài đã thực hiện trước đây không tham gia thi lại, các Khoa quản lý phải sử dụng có hiệu quả những đề tài đã dự thi, tránh lãng phí cả về vật chất lẫn trí tuệ đã đầu tư.

- Thời gian chấm của hội thi sáng tạo, mô hình học cụ tự chế được ghi trên lịch tuần của trường vào cuối tháng 7 hàng năm.

- Hội thi thể hiện được trí tuệ sáng tạo, phát huy nguồn nội lực, tạo ra nhiều thiết bị học cụ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phù hợp với chương trình đào tạo của Trường.

- Các khoa cần bố trí thời gian và tạo điều kiện cho giảng viên, học sinh, sinh viên tham gia làm mô hình dự thi.

- Số lượng mô hình ở các đơn vị dự thi càng nhiều càng tốt để có mô hình phục vụ cho công tác dạy học.

4. Thể loại đề tài, Mô hình, thiết bị tham gia hội thi:

- Tất cả các loại hình sáng kiến trong quản lý, sản xuất, thử nghiệm, công nghệ xanh sạch, công nghệ môi trường, công nghệ chế biến trong đào tạo. Các mô hình học cụ (Tranh, ảnh, mô hình, thiết bị giảng dạy lý thuyết, thực hành, các phần mềm, các lĩnh vực cơ khí, điều khiển, tự động hóa, phục vụ cho bài giảng …)

5. Điều kiện tham gia hội thi:

- Các nghiên cứu sáng chế mới, hoặc cải tiến, các mô hình học cụ, thiết bị tự chế (trừ một số bộ phận, linh kiện, chi tiết nhất thiết phải mua).

- Mô hình, thiết bị được cải tiến để nâng cao tính năng, mở rộng phạm vi công dụng phục vụ phương tiện bài giảng hiện đại hoặc nâng cao năng suất lao động.

- Các Đề tài Đồ án Tốt nghiệp có chất lượng được chỉnh trang nhằm phục vụ đào tạo.

6. Tiêu chuẩn đánh giá:

(Xin gửi đính kèm bản tiêu chuẩn đánh giá).

7. Hội đồng Giám Khảo:

Gồm 5 đ/c:

1/ Lê Đình Kha:              Phó Hiệu Trưởng Phụ trách trường - Chủ tịch.

2/ Trương Quang Trung: Chủ tịch Công đoàn - Uỷ viên

3/ Nguyễn Công Thành: Bí thư Đảng Ủy - Ủy viên.

4/ Nguyễn Phùng Tấn:   TP.KHCN- HTQT -  Thư ký

5/ Trần Việt Dũng:                   Phó Trưởng phòng phụ trách phòng P.ĐT - Ủy viên.

8. Trình bày Mô hình dự thi:

- Các mô hình cần trang trí cho khoa học, thẩm mỹ, công dụng, phạm vi sử dụng, có chú thích, chỉ dẫn, thuyết minh (lý lịch mô hình), vận hành, tài liệu kèm theo khác (nếu có)

- Chủ đề tài sẽ thuyết minh khi giám khảo đến đánh giá  cần thuyết minh về mục đích ý nghĩa, công dụng, phạm vi sử dụng, vận hành, giải pháp đã đạt được, ứng dụng trong giảng dạy như thế nào, ước tính giá thành và hiệu quả kinh tế …).

- Ngoài ra cần giải thích thêm những câu hỏi của giáo khảo nhằm làm rõ thêm đề tài của mình.

9. Đánh giá điểm:

Căn cứ bảng tiêu chuẩn đánh giá điểm cho thiết bị, mô hình bao gồm:

1. Tính sư phạm:                      Tối đa 8 điểm.

2. Tính khoa học thực tiễn:      Tối đa 8 điểm.

3. Tính Kinh tế:                       Tối đa 4 điểm.

Tổng cộng:                     Tối đa 20 điểm.

- Trong mỗi tiêu chuẩn có phân ra các điểm thành phần

(Xem bảng đánh giá)

- Từng giám khảo sẽ cho điểm vào phiếu đánh giá. Hội đồng sẽ thảo luận thống nhất  chung kết quả đánh giá.

10. Giải thưởng:

A/ Giải cá nhân:

-Giải nhất.

-Giải nhì.

-Giải Ba.

-Một số giải khuyến khích.

-Giải cá nhân xuất sắc 

B/ Giải tập thể  :

- Có một số giải dành cho đơn vị có nhiều đề tài tham gia và hiệu quả cao.

11. Kế hoạch thực hiện:

- Trưởng các đơn vị triển khai, thông báo cho các giáo viên, học sinh, SV trong đơn vị quản lý ngay sau khi nhận thông báo này.

- Từ ngày ra thông báo, các đơn vị tổ chức cho đăng ký đề tài, mô hình dự thi của đơn vị và gửi danh sách về thư ký hội đồng chậm nhất 30/6 hàng năm.

Dự kiến vào cuối tháng 7 hội đồng giám khảo sẽ đến các đơn vị  có đề tài để chấm, sau đó công bố kết quả, phát giải thưởng.

III/ BÁO CÁO KHOA HỌC CẤP KHOA

- Kế hoạch báo cáo khoa học hàng năm của giáo viên ở các khoa, phòng, tổ môn trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy. Đặc biệt là TS, thạc sỹ phải có báo cáo theo quy định của nhà trường.

- Các khoa phải thành lập hội đồng khoa. Các đơn vị trưởng, phó là người tổ chức hoạt động theo qui định về báo cáo khoa học, bài báo cáo phải  đưa trước cho hội đồng và phân công người phản biện cho đề tài.

- Có chương trình báo cáo, Tên tác giả, đề tài báo cáo, thời gian …

- Hội đồng khoa đánh giá kết quả báo cáo của từng đề tài.

- Khoa bố trí thời gian hợp lý nhất để tạo điều kiện cho tất cả giảng viên đều tham dự, nếu có điều kiện thì nên cho sinh viên dự.

- Yêu cầu các đơn vị gửi  kế hoạch báo cáo đề tài khoa học của đơn vị mình, (sinh viên của khoa mình nếu có đề tài) về phòng P.KHCN & HTQT để thực hiện trong năm. Tổ chức báo cáo khoa học 2 đợt/năm.

- Phòng KHCN& HTQT sẽ tổng hợp đề tài đăng ký của các khoa báo cáo Hiệu trưởng và đưa lên lịch thực hiện báo cáo theo kế hoạch đăng ký.

- Trình bày bản báo cáo theo quy ước báo cáo đã thông báo.

Trên đây là nội dung của đợt phát động phong trào NCKH các cấp, hội thi các đề tài, sáng kiến, các mô hình tự chế, báo cáo các đề tài khoa học hàng năm. Hiệu trưởng yêu cầu các Trưởng đơn vị triển khai thực hiện ngay thông báo này.

Lưu ý:

- Các loại biểu mẫu thực hiện đề tài NCKH đều được chuẩn hóa và đã được đăng trên trang web của trường (mục phòng KHCN&HTQT).

- Mọi thắc mắc xin liên hệ phòng KHCN&HTQT.

Đề nghị các đơn vị trong trường phổ biến thông báo này đến cán bộ, giảng viên và sinh viên chọn lựa hướng nghiên cứu, nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH của đơn vị mình.